Cảng biển là một trong những cửa ngõ quan trọng, phục vụ cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa. Hằng năm, hệ thống cảng biển Việt Nam đã thông quan đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, đem lại không ít lợi nhuận cho nền kinh tế.
Hiện tại, tại Việt Nam có tổng cộng 49 cảng biển lớn nhỏ, trong đó có 10 cảng biển lớn và quan trọng. Cùng Cường Quốc Logistics tổng hợp các cảng quốc tế tại Việt Nam qua bài viết sau.
1. Cảng Hải Phòng – Một Trong Số Cảng Quốc Tế Tại Việt Nam
Cảng Hải Phòng là một trong các cảng quốc tế tại Việt Nam. Cảng Hải Phòng nằm ở miền Bắc Việt Nam, là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung chuyển quốc tế (Loại IA).
Cảng Hải Phòng sở hữu hệ thống cơ sở vật chất tiên tiến, thiết bị hiện đại cùng vị trí đắc địa, thuận lợi cho việc giao thương kinh tế trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Hiện nay cảng Hải Phòng gồm 5 chi nhánh. Khu vực cảng có 21 cầu tàu với tổng chiều dài là 3.567m với độ sâu trước bến thiết kế từ -7,5m đến -9,4m. Tổng diện tích bãi container tại chi nhánh cảng Chùa Vẽ và Tân Vũ là 712.110m2 và 3.300m2 cho kho CFS tại cảng Chùa Vẽ.
Hằng năm, cảng Hải Phòng có khả năng tiếp nhận và xử lí hơn 10 triệu tấn hàng hóa.
Lưu ý: Cảng Hải Phòng chỉ tiếp nhận các tàu cont có kích thước khoảng 6000 – 7000 DWT.
>>> Xem thêm: Các loại tàu chở hàng trong vận tải biển
2. Cảng Vũng Tàu
Cảng Vũng Tàu là một trong các cảng quốc tế tại Việt Nam được nhắc đến trong thống kê của chúng tôi. Cảng Vũng Tàu là một trong hai cửa ngõ quốc tế tại nước ta. Cảng Vũng Tàu từng tiếp nhận thành công đơn hàng trên tàu Yang Ming Wellhead có trọng tải 160.000 tấn, sức chở 14.000 TEU.
Theo thống kê, cảng Vũng Tàu có 4 khu bến, bao gồm: Cái mép – Sao Mai – Bến Đình; Phú Mỹ – Mỹ Xuân; Sông Dinh; Bến đầm – Côn Đảo.
- Cái Mép – Sao Mai – Bến Đình: khu bến cảng phục vụ hàng tổng hợp, container xuất nhập khẩu trên tuyến biển xa, kết hợp làm hàng trung chuyển container quốc tế; tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở 8.000 TEU hoặc lớn hơn; có cơ sở hạ tầng, công nghệ bốc xếp, quản lý khai thác và dịch vụ hậu cảng đồng bộ, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn đầu tập trung đầu tư hoàn thiện các bến khu vực Cái Mép;
- Khu bến Phú Mỹ, Mỹ Xuân trên sông Thị Vải là khu bến cảng tổng hợp container; có một số bến chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp – dịch vụ quy mô lớn nằm ven sông; tiếp nhận được tàu trọng tải từ 60.000 đến 80.000 tấn, tàu container có sức chở đến 6.000 TEU;
- Khu bến sông Dinh là khu bến cảng chuyên dùng phục vụ khai thác dầu khí, đóng sửa dàn khoan biển, có bến tổng hợp địa phương và các bến chuyên dùng của các cơ sở công nghiệp dịch vụ, quốc phòng, an ninh, cứu nạn, cứu hộ;
- Bến cảng Côn Đảo (Bến Đầm) là bến cảng tổng hợp, đầu mối giao lưu hàng, khách với đất liền; tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn tàu chở hàng và khách;
3. Cảng Vân Phong
Bến Vân Phong là một trong các cảng quốc tế tại Việt Nam, là nơi có tiềm năng trở thành cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất. Cảng Vân Phong có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng lỏng từ 350000 DWT.
Cảng Vân Phong là khu bến cảng tổng hợp, chuyên dùng cho tàu biển có tải trọng lớn. Cảng Vân Phong bao gồm các khu chức năng:
- Bến cảng Đầm Môn (Bắc vịnh Vân Phong) là bến cảng tổng hợp, container; có bến chuyên dùng cho tàu khách du lịch quốc tế và hàng hóa khác, phục vụ trực tiếp khu công nghiệp – đô thị Hòn Gốm, Bắc Vân Phong; tiếp nhận được tàu trọng tải 100.000 tấn và lớn hơn; là khu tiềm năng phát triển về lâu dài để đảm nhận vai trò trung chuyển container quốc tế;
- Bến cảng phía Nam vịnh Vân Phong là bến cảng chuyên dùng hàng lỏng phục vụ liên hợp lọc hóa dầu, tiếp chuyển xăng dầu, khí hóa lỏng, nhập than cho nhiệt điện và trung chuyển hàng rời than quặng; tiếp nhận được tàu trọng tải từ 100.000 đến 300.000 tấn; có bến tổng hợp, container và hàng khác cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 50.000 tấn phục vụ khu công nghiệp đô thị Ninh Hải, Ninh Thủy, Dốc Lết – Nam Vân Phong và công nghiệp đóng sửa tàu biển.
4. Cảng Quy Nhơn
Cảng Quy Nhơn – Bình Định nằm trong vịnh Quy Nhơn, là một trong các cảng quốc tế tại Việt Nam. Nhờ bán đảo Phương Mai bao phủ nên cảng Quy Nhơn rất kín gió, thuận lợi cho các tàu cập bến neo đậu và xếp dỡ hàng hóa. Cảng Bình Định có thể tiếp nhận được những loại tàu có kích thước từ 30000 DWT đến 50000 DWT.
Cảng Quy Nhơn là một trong 10 cảng biển lớn nhất tại nước ta với lưu lượng vận chuyển hàng hóa lớn. Nơi đây đủ điều kiện để tiếp nhận, xếp dỡ hàng hóa một cách nhanh chóng.
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mỗi của khu vực, gồm các khu bến:
- Khu bến Quy Nhơn – Thị Nại là khu bến tổng hợp, container cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 30.000 tấn, có bến chuyên dùng cho tàu trọng tải từ 5.000 đến 7.000 tấn;
- Khu bến Nhơn Hội là khu bến tiềm năng phát triển trong giai đoạn sau với chức năng chính là chuyên dùng, phục vụ trực tiếp cơ sở công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn sẽ hình thành tại đây; tiếp nhận tàu trọng tải từ 10.000 đến 50.000 tấn;
- Các bến địa phương, chuyên dùng vệ tinh phát triển tại Đống Đa, Đề Gi, Tam Quan.
5. Cảng Cái Lân
Cảng Cái Lân tại Quảng Ninh là cảng nước sâu lớn nhất tại Việt Nam. Cảng Cái Lân nằm trong vùng trọng tâm phát triển kinh tế tại phía Bắc. Nơi đây hội tụ đầy đủ những điều kiện để phát triển các dự án đầu tư xây dựng, khai thác các dịch vụ biển.
Bên cạnh đó, cảng Cái Lân sở hữu hệ thống đường biển, đường bộ cùng những vùng lân cận ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên đang ngày càng phát triển trong tương lai.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm chi tiết
6. Cảng Sài Gòn
Cảng Sài Gòn là trọng điểm của ngành xuất nhập khẩu tại khu vực miền Nam. Đây là một trong các cảng quốc tế tại Việt Nam, luôn nằm trong thứ hạng cao của bảng xếp hạng.
Cảng Sài Gòn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực. Các khu chức năng của cảng bao gồm:
– Nhóm cảng container và tổng hợp:
- Khu bến Hiệp Phước: có thể tiếp nhận các tài có tải trọng đến 80.000 DWT.
- Khu bến Cát Lái: có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng đến 30.000 DWT.
– Nhóm bến cảng địa phương:
- Cảng Tân Thuận
- Cảng Bến Nghé
- Cảng Nhà Rồng
- Cảng Khánh Hội
- Cảng Tân Cảng
– Nhóm bến cảng phát triển (quy hoạch): Bến Gò Công, bến Cần Giuộc.
Cảng Sài Gòn hoạt động phục vụ cho lĩnh vực rộng lớn tại khu vực T.P Hồ Chí Minh và các vùng lân cận cũng như đồng bằng sông Mekong. Hằng năm, tổng sản lượng hàng hóa tại cảng có thể lên tới 10 triệu tấn. Cảng Sài Gòn đóng vai trò và nhiệm vụ quan trọng phục vụ cho nhu cầu xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế nói chung cho toàn khu vực Phía Nam của đất nước.
7. Cảng Cửa Lò
Cảng Cửa Lò là một trong các khu bến cảng tổng hợp, có khả năng đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp nội địa cùng các vùng lân cận như Bắc Trung Bộ.
Hiện tại, cảng Cửa Lò có tổng diện tích lên tới 450 hecta. Với diện tích lớn, cảng Cửa Lò tiếp cận không ít đơn hàng quá cảnh của các nước Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Cảng Cửa Lò tiếp nhận tàu có trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn.
8. Cảng Dung Quất
Cảng Dung Quất – Quảng Ngãi là một trong các khu cảng thương mại quốc tế hiện đại. Nơi đây đóng góp không nhỏ cho việc thu hút đầu tư vào khu vực kinh tế nội địa và khu công nghiệp xung quanh.
Cảng Dung Quất bao gồm các khu bến:
- Khu bến Dung Quất I là khu bến cảng tổng hợp, container với các bến cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 50.000 tấn, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU; có các bến chuyên dùng xuất sản phẩm dầu của liên hợp lọc hóa dầu, bến phục vụ công nghiệp đóng sửa tàu biển, bến chuyên dùng của các cơ sở công nghiệp nặng cho tàu trọng tải từ 20.000 đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn (luồng tàu trên 50.000 tấn do chủ đầu tư các cơ sở công nghiệp tự chịu trách nhiệm đầu tư);
- Khu bến Dung Quất II là khu bến cảng chuyên dùng, tiếp nhận tàu chở dầu thô, than, quặng trọng tải từ 100.000 đến 350.000 tấn, phục vụ trực tiếp cho liên hợp lọc dầu và luyện kim; có kết hợp bến làm hàng tổng hợp, container hỗ trợ khu bến Dung Quất I, phục vụ phát triển Khu kinh tế Dung Quất mở rộng trong giai đoạn sau;
- Bến cảng Sa Kỳ là bến vệ tinh của cảng, tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn;
- Bến cảng Bến Đình (đảo Lý Sơn) là bến vệ tinh địa phương của huyện đảo, tiếp nhận tàu hàng, khách đến 2.000 tấn.
9. Cảng Chân Mây
Khu cảng Chân Mây nằm tại vị trí kết nối với Singapore, Philippins và Hong Kong. Đây là vị trí trung tâm giữa Huế và Đà Nẵng, hướng ra biển Đông nên rất thuận lợi trong việc phát triển kinh tế.
Khu bến Chân Mây là khu bến cảng tổng hợp, phục vụ trực tiếp Khu công nghiệp Chân Mây, hàng tiếp chuyển quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Nơi đây có bến chuyên dùng phục vụ công nghiệp đóng sửa tàu biển; bến phục vụ tàu khách du lịch quốc tế.
Khu bến cảng này có thể tiếp nhận tàu hàng trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn, tàu khách đến 100.000 GT và lớn hơn.
10. Cảng Đà Nẵng
Cảng Đà Nẵng là một trong những cảng biển lớn nhất miền Trung Việt Nam. Cảng Đà Nẵng nằm trong vịnh Đà Nẵng, sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi. Đây là một trong các trung tâm dịch vụ Logistics quan trọng tại miền Trung nước ta.
Cảng Đà Nẵng có 3 khu bến: Tiên Sa – Sơn Trà, Liên Chiểu và Thọ Quang. Trong khu bến Tiên Sa, Sơn Trà là khu bến chính có tổng diện tích bãi đạt 178.603m2 và 14.285m2 đối với tổng diện tích kho. 3 khu bến tại cảng Đà Nẵng có tác dụng như sau:
- Khu bến Tiên Sa là khu bến cảng tổng hợp, container phục vụ thành phố Đà Nẵng, một phần Bắc Tây Nguyên và hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan, tiếp nhận tàu trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU, tàu khách du lịch quốc tế 100.000 GT và lớn hơn với ga hành khách đồng bộ, hiện đại;
- Khu bến Thọ Quang (Sơn Trà) là khu bến cảng tổng hợp cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn, có bến chuyên dùng cho tàu trọng tải từ 1.000 đến 5.000 tấn;
- Khu bến Liên Chiểu trước mắt có chức năng chính là chuyên dùng hàng rời, hàng lỏng phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại đây. Về lâu dài (sau năm 2020) sẽ từng bước phát triển để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (nếu có điều kiện), tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU;
Cảng Đà Nẵng không chỉ là cửa ngõ chính hướng ra Biển Đông mà còn được chọn là điểm cuối cùng trong tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, nối liền 4 nước trong khu vực: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
>>> Xem thêm: Vận tải quốc tế là gì? Thuế suất áp dụng cho vận tải quốc tế
Kết luận
Trên đây là tổng hợp các cảng quốc tế tại Việt Nam. Để theo dõi các thông tin liên quan đến Logistics, đừng quên theo dõi website Cường Quốc Logistics mỗi ngày.
CÔNG TY TNHH GIAO NHẬN VẬN TẢI CƯỜNG QUỐC
Văn phòng: Tầng 7, Tòa Nhà Parami, 140 Bạch Đằng, Phường 2, Quận Tân Bình, TP.HCM
Hotline: 0972 66 71 66
Email: info@cuongquoclogistics.com
Website: https://cuongquoclogistics.com/